SODIS là phương pháp xử lý nước dựa trên cơ chế tiêu diệt vi sinh vật nhờ tác động cộng hưởng của tia cực tím và tia hồng ngoại có trong ánh sáng mặt trời. Phần lớn các vi sinh trong nước, đặc biệt là vi khuẩn và virus, rất nhạy cảm với tác động của bức xạ tia cực tím (nhất là trong giải bước sóng 210-300 nm = nano mét) nên cấu trúc ADN trong tế bào của chúng bị phá vỡ. Chỉ một số rất ít các đơn bào (protozoa) và vi sinh là không bị tiêu diệt toàn bộ mà chuyển thành dạng bào tử.
Đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm như: đơn giản, dễ áp dụng nên từ người lớn đến trẻ em, ai cũng có thể thực hiện được; ít tốn kém (chỉ dùng ánh sáng mặt trời và các chai nhựa trong vốn có trong sinh hoạt hằng ngày hoặc có thể mua tại địa phương với chi phí thấp); phương pháp này giảm tối đa nguy cơ tái nhiễm khuẩn, vì nước đã qua xử lý được đựng trong chai và sau đó rót ra cốc uống trực tiếp; ngoài ra, phương pháp này giúp giảm việc sử dụng chất đốt trong gia đình, từ đó giảm lượng khí nhà kính như CO2, CO thải ra môi trường. Vì những ưu điểm trên, phương pháp SODIS đã đoạt Giải thưởng Quốc tế Dubai năm 2002 và Giải thưởng Toàn cầu về năng lượng năm 2004 (theo EAWAG 2006).
Phương pháp SODIS:
Chuẩn bị chai nhựa, thủy tinh trong, sạch. Tốt nhất là dùng lại chai PET. Lắng/ lọc cặn trước khi đổ nước vào chai nhựa.
Đổ nước đầy tràn qua miệng chai và đậy nắp. Nếu không đổ tràn đầy, sẽ tạo 1 khoảng trống không khí trong chai, làm nơi "trốn" cho vi khuẩn.
Phơi chai nước ở nơi có nhiều nắng. Có thể tăng cường nhiệt bằng cách đặ lên mái tôn, lên các bề mặt có màu trắng/ sáng.Phơi liên tục từ sáng sớm đến tối. Nếu nắng to chỉ cần phơi 6 giờ. Chú ý chọn vị trí không bị bóng râm.
Thực hiện phơi nhiều chai và đều đặn để ngày nào cũng có nước tiệt trùng.
Phương pháp này rất thích hợp cho người dân các nước có nhiều nắng như Việt Nam.
Tin đồn về chai nhựa tạo dioxin gây ung thư
Gần đây, nhiều trang mạng đưa tin đồn về việc sử dụng chai nhựa chứa nước. Theo tin đồn này, nếu phơi chai nước dưới ánh nắng hoặc để trong xe hơi, nhiệt độ sẽ làm vỏ chai nóng lên, tạo ra dioxin, một chát độc gây ung thư.
Các nhà khoa học đã phản bác lại băng các luận điểm:
- Vỏ chai nhựa dùng trong thực phẩm là loại không có dioxin.
- Loại nhựa nếu có chứa dioxin thì phải đốt nóng trên 1000oC mới giải phóng Dioxin
- Bản thân nước là chất làm mát, giúp vỏ chai luôn mát. Nhiệt độ mặt trời trong điều kiện bình thường khó có thể làm nước nóng quá 40oC.
Do đó, chúng ta không nên lo lắng về nguy cơ không thể có này.