Bạn đánh giá: 4 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 
Tháp nước đầu tiên tại Sài Gòn

Nước máy Sài Gòn mới xuất hiện 137 năm, tức là sau khi WATTS thành lập tại Mỹ.

Trước khi người Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, Sài Gòn vẫn chưa có hệ thống cấp nước công cộng. Người dân chủ yếu dùng nước sông rạch và nước giếng đào tại nhà. Nguồn nước ngọt ngày một khan hiếm, và nhà cầm quyền Pháp vẫn chưa tìm ra giải pháp nào căn cơ.

Năm 1878, Sở Công chánh mới cho xây một nhà máy nước đầu tiên ở Sài Gòn, nằm gần công trường Maréchal Joffre (tức Công trường Quốc tế, ngay Hồ Con Rùa bây giờ). Công trình bao gồm một giếng thủy tĩnh sâu 20 m (nằm ở góc hai đường Nguyễn Đình Chiểu và Phạm Ngọc Thạch ngày nay), một tháp nước bằng lá sắt cao 20 m, dung tích 100 m3 (xây xong năm 1880) (nằm ở góc Công trường Quốc tế), bốn bồn chứa dưới chân tháp nước, một trạm bơm, và một hệ thống nhỏ phân phối nước đến một số vòi nước công cộng. Đó là lần đầu tiên mà người dân Sài Gòn biết đến “nước máy”.

Cuối năm 1929, vấn đề cấp nước bắt đầu bước vào giai đoạn sáng sủa hơn. Một hãng Pháp mang tên Société Layne France et Cie đến chào hàng loại giếng ngầm (lúc đó còn gọi là “giếng Layne”, là loại giếng được khoan sâu từ 30 m tới 100-200 m, với đường kính chỉ khoảng 30 cm, để xuống tới tầng nước ngầm), và đề nghị chính quyền thành phố cho phép họ đi tìm những tầng nước ngọt nằm sâu dưới lòng đất Sài Gòn. Ngay sau đó, họ đã thực hiện nhiều mũi thăm dò.

Với kết quả thăm dò khả quan, hợp đồng được ký kết ngay năm 1931. Đến tháng 11-1932, họ đã khoan được 39 giếng, trong đó 30 cái đưa vào khai thác được. Với phương pháp đào giếng ngầm, vấn đề cấp nước ở Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ coi như tạm giải quyết xong.

Phải đến cuối thập niên 1950, do bùng nổ dân số, nước ngày càng khan hiếm dự án lấy nước sông Đồng Nai do hãng Hydrotechnic Corporation (ở New York) nghiên cứu và soạn thảo mới được nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn lúc ấy chọn. Tổng kinh phí dự trù của dự án khoảng 18 triệu đôla Mỹ. Sở dĩ lúc đó không chọn sông Sài Gòn là vì chất lượng nước không sạch bằng, lưu vực nhỏ, lại bị nhiễm mặn nhiều tháng trong năm ; trong khi đó, sông Đồng Nai có lưu vực lớn hơn (22.000 km2), nước tốt hơn, lưu lượng vào mùa thấp nhất cũng đã hơn 1.000 m3/giây, mà nhu cầu lấy nước cho thành phố lúc đó chỉ cần không quá 6 m3/giây. Dự án được thực hiện kể từ đầu thập niên 1960.

Điểm hút nước là tại làng Hóa An, nằm cách thành phố Biên Hòa 1,5 km. Công suất thiết kế của Nhà máy bơm nước đặt tại đó là 480.000 m3/ngày. Từ đó, nước được dẫn qua đường ống bê-tông cỡ lớn tới Nhà máy lọc nước ở Thủ Đức, sau đó đi qua Nhà máy điều giải áp lực ở đầu cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ, tháp điều áp của nhà máy này ngày nay vẫn còn), để rồi cuối cùng về tới các hồ chứa nước trong Sài Gòn. Đến năm 1966, chương trình này được hoàn tất. Kể từ đó, các nhà máy bơm nước giếng cạn cũng như giếng ngầm chỉ còn giữ vai trò dự phòng và bổ sung.

Ngày nay, ngoài một số sử dụng giếng khoan, đa số dân Sài Gòn vẫn còn xài nước sông Đồng Nai.

Trong hình là tháp nước tại nơi là Hồ Con Rùa bây giờ, tháp nước này tồn tại từ năm 1878 tới năm 1921. Gần đó có một tháp nước khác lớn hơn và ngày nay được biết tới nhiều hơn nằm trong khuôn viên công ty cấp nước ở gần đó được xây dựng sau tháp này, (vào năm 1886).

(Tác giả: Duong Hiep - có tham khảo thông tin trong bài Chuyện cấp nước ở Sài Gòn xưa của tác giả Trần Hữu Quang)

Bình luận  

# Mai Van Dau 21:19 09-08-2016
Thong tin hay!

TKS
Trả lời | Trả lời với trích dẫn | Trích dẫn